Chữ trong lòng

Ai sống trên đời cũng là một nhà văn

Mình là đứa ham đọc, và dù không có gu văn học cố định hay hiểu biết sâu rộng về lý thuyết văn học thì cũng đủ tự tin mình có quan điểm rõ ràng thế nào là người viết hay/người viết dở. Cũng không nhớ từ khi nào mình đã ghim chặt trong đầu một điều tâm đắc: Văn chương hay là khi người đọc tìm được trong đó những điều mà chính họ cũng nghĩ tới nhưng chưa thể định hình cho đến khi đọc.

book
Image: Pezibear

Đọc bất cứ thứ gì, tản văn, thơ, truyện ngắn, bài viết chính luận vv., mình luôn có những khoảnh khắc hào hứng vô cùng khi thấy tác giả chạm tới và gom lại những suy nghĩ mình còn không tập hợp lại được, rồi duỗi chúng ra theo từng con chữ. Nói cách khác, người viết hay diễn tả được thay cho người đọc những ý niệm mơ hồ.

Thế nhưng, suốt nhiều năm, trong quan niệm của mình thì lằn ranh giữa người viết hay và những người khác là rất rõ ràng — như là hai thế giới tách biệt hoàn toàn với nhau. Và mình luôn có một định kiến về những người ít khi viết, là họ không bao giờ có thể viết hay.

Một hôm, mình tình cờ tìm được một status Facebook của một chị hoạ sỹ mà mình yêu thích từ lâu. Chị kể về khoảnh khắc nhận ra lòng mình thanh thản sau một thời gian rất dài từ khi chia tay một người mình thương vô cùng và cũng thương mình vô cùng. Lời văn giản dị lắm, nhưng đọc thấy lòng chợt hoà cùng sự nhẹ tênh của người viết, thấy sao mà yêu quá chừng.

Một hôm, cậu bạn thân mình — dân khối A, ham thể thao hơn là đọc sách hay viết lách — có viết một note trên Facebook. Câu chuyện rằng cuộc sống này nhiều lúc cũng như một bàn cờ Tỷ phú (Monopoly), có người thắng kẻ thua, có người vui kẻ ấm ức, và đôi khi tất cả đều (buộc phải) trở thành những kẻ cơ hội. Đọc mà gật gù sao đúng thế, sao cũng những điều mình nghĩ mà chưa bao giờ mình viết ra được.

Một hôm, đứa bạn thân — bình thường tính tình tưng tửng, ăn nói gọn gàng — viết cho mình một cái email dài thật dài kể về mọi bức bối, mệt mỏi với nhiều điều xung quanh lúc bấy giờ, mà vì suy nghĩ dồn nén nên không có lúc nào đủ thời gian để ngồi bình tĩnh kể hết cho ai. Có những dòng trong email đấy nó thấm thía đến sững sờ. Vì mình có thể hình dung được gần như chính xác những cảm xúc đứa bạn mình trải qua chỉ qua những gì nó viết, thậm chí có những đoạn mà cho đến lúc đọc mình mới nhận ra, à, hoá ra lần trước mình cũng cảm thấy như thế, mà chẳng biết diễn tả sao.

m 20160609 Chu trong long
(artwork by me)

Vậy thì lằn ranh giữa người viết hay và những người khác có thực sự tồn tại hay không?

Khi nhớ lại tất cả những câu chuyện như thế, mình mới nhận ra từ trước đến giờ, mình đã rất sai. Những người mình vừa kể chẳng ai là nhà văn, chẳng ai chuyên viết lách.

Thế nhưng tất cả họ đều sống. Làm những việc mình yêu thích và dành thời gian suy nghĩ về những thứ mình thực lòng quan tâm — như là cuộc sống, nỗ lực, gia đình, bạn bè, những ngày đi học, niềm vui, khó khăn. Và họ viết về tất cả những điều đó. Không cần đến ngôn từ bay bổng, không chủ tâm “dụng công” thể hiện tài năng qua một biện pháp nghệ thuật hay bút pháp đặc biệt nào, không quan tâm chọn thể loại hay độ dài, song họ viết thật sự hay.

Con người thực ra đều có những lúc trải qua những xúc cảm giống nhau, gặp những hoàn cảnh gần như nhau, nhìn thấy, nghe thấy những điều người khác từng gặp. Thế nên bất kỳ ai, chỉ cần chú tâm vào cuộc sống, đều có thể viết ra thay người khác những suy nghĩ của họ, và sẽ viết hay nhất khi viết chân thật ra những điều trong lòng mình.

Ai cũng là một nhà văn, miễn là

“sống toàn tâm, toàn trí, sống toàn hồn” (Xuân Diệu).

Chữ trong lòng, sống thật, viết thật thì sẽ viết hay. Vậy thôi mà, nhỉ.

Minh Anh

Author: Minh-Anh Mia Do

book-smart and sugar-addicted || the written word & all things linguistics || email: dmad920@uowmail.edu.au

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: