Nhà

Khi đi xa thực ra là trở về

Khi post này được up lên, mình đang trên máy bay tới Úc du học. Câu chuyện ước mơ du học thành hiện thực thế nào, thực sự mình rất muốn kể ngay bây giờ, nhưng bài viết này phải để dành cho những suy nghĩ quan trọng hơn là câu chuyện chỉ của riêng mình mình.

1_-hykzrFqct0F9iBMJ23GXA
Image: Unsplash

Thực chất, chuyến đi du học này với mình hoàn toàn không phải chỉ bắt đầu từ giây phút máy bay cất cánh, mà khởi đầu chính thức của nó là từ sau khi mình trình bày quyết tâm xin học bổng, và cả nhà cùng nói chuyện, một cách cởi mở, thẳng thắn, và nghiêm túc (nghe giống mấy lời khuyên của mấy chuyên gia hạnh phúc gia đình hay tâm lý tuổi dậy thì nhỉ).

Mình không đi một mình trên hành trình này, dù giờ thì đúng là mình đang tự đi máy bay một mình (lần đầu tiên trong đời!). Mình có cả nhà đi cùng, từ tận những bước đầu tiên.

We grow up thinking our parents don’t understand our struggles, but the truth is they made sure we never felt theirs.

(Tạm dịch: Chúng ta lớn lên và khăng khăng cho rằng bố mẹ chẳng hiểu gì về những khó khăn của ta, nhưng thực chất, chính bố mẹ đã cố gắng để chúng ta không bao giờ nhận thấy những khó khăn mà chính họ cũng phải vượt qua.)

Đến bây giờ mình mới hiểu hết câu nói đấy.

Một thời gian đầu, mình nghĩ rằng mình quá tải quá, mệt mỏi quá, mình phải vật lộn soạn hồ sơ, xin thư giới thiệu, viết bài luận, xin bảng điểm, và vẫn phải lên lớp đều đều thậm chí vẫn thi cuối kỳ (kỳ một năm nhất đại học). Cảm giác mình mình, một mình mình, phải làm bao nhiêu thứ trong có hai tuần, cắm đầu cắm cổ mệt phờ.

Hôm hai mấy Tết có mail từ chối của một trường, Bố vào phòng thấy mình ngồi buồn thiu, thế là Bố chẹp chẹp xong ra xoa xoa lưng mình — kiểu xoa lưng để “xuôi xuôi” dỗ trẻ con ấy — ra chiều an ủi lắm (cứ như thể mình là một chú mèo).

Lúc sau Bố ra khỏi phòng rồi mình mới lấy điện thoại ra đọc lại tin nhắn của Bố sau hôm mình “trình bày nguyện vọng”, ngồi thừ ra nghĩ lại, nhận ra bao nhiêu thứ. Như là Bố bận ty tỷ việc ở cơ quan rồi vẫn dành ra bao nhiêu thời gian photo tài liệu cho mình đi gia sư, scan cả đống giấy tờ cho hồ sơ của mình, còn hẹn gặp đồng nghiệp có con đi du học để hỏi thêm cho mình. Như là Mẹ nhiều việc ở chỗ làm, hôm nào cũng thức tới một hai giờ sáng mà cũng như Bố, vẫn hỏi đồng nghiệp về chuyện du học, dành thời gian trao đổi với mình về các dự định trong khi học đại học và sau khi xong, về việc học cao lên, việc chọn nghề chọn nghiệp, bữa cơm tối nào trong khi cả nhà đang nói chuyện cũng động viên mình (một cách tế nhị). Nhím béo đáng ghét cũng toàn lò dò theo hỏi chị làm đến đâu rồi, sắp xong chưa, chị mà đi em nhớ chị ra phết, chị nhớ mang con Nhím bông theo nhá (Ờ đang để trong vali đây). Ông Ngoại còn lên cả web trường xem thông tin xem clip xem ảnh, hôm nào gặp cháu cũng hỏi tiến độ đến đâu rồi, có trường nào mail lại chưa, Bà Ngoại không biết tiếng Anh, không biết đọc tên trường mình thế nào luôn, mà cũng hỏi suốt, hỏi ông xem cháu nó làm hồ sơ đến đâu rồi trường họ có cho học bổng chưa.

Ừ nhỉ, mình đâu có làm một mình đâu.

Nào có phải bàn trước từ mấy năm đâu, quyết định chính thức “xuất phát” là qua một đêm đấy chứ, mà cả nhà ai cũng hết mình thế kia cơ mà.

Từ hôm đấy, để ý hơn một chút, mình càng thấy cả nhà đã cố gắng tới mức nào để cùng mình đạt được mục tiêu. Từ ngày biết có học bổng, rồi những ngày mình bảo lưu kết quả kỳ một, ở nhà chỉ dạy kèm tiếng Anh, tham gia một vài thứ, đi học thêm, đến những ngày hoàn thành hồ sơ xin visa, đặt vé, soạn hành lý, mình luôn có cả nhà cổ vũ nhiệt tình và lạc quan đến mức dễ sợ (một cách đáng yêu, rất rất đáng yêu).

Có nhiều lúc, mình nghĩ quyết định đi du học là một quyết định ích kỷ. Vì để mình được hưởng điều kiện giáo dục tốt hơn (và thậm chí vẫn chưa chắc đã là một sự đầu tư có lãi!), Bố Mẹ sẽ phải bận rộn vất vả hơn để giúp mình khoản tiền học. Ông Bà sẽ ít được gặp hai đứa. Nhím béo sẽ phải vượt qua khủng-hoảng-tuổi-mới-lớn mà không phải lúc nào cũng có chị Minh để thỏ thẻ “Chị Minh ơi em cứ bị nghĩ/lo/sợ là..” ngay lúc mình chuẩn bị nhắm mắt ngủ. cả nhà mình vốn rất gần gũi nhau giờ chỉ còn năm người ở cùng nhà nói chuyện với một người đang cách nhà bảy ngàn cây số qua màn hình máy tính. Có quá nhiều thứ phải đánh đổi, chỉ để mình được đi.

Thế nhưng giờ mình nghĩ khác. Chính nhờ quyết định đi du học mà mình mới bớt ích kỷ và vô tâm hơn. Trước, người ở nhà, mà đầu óc cứ để cho những việc ở ngoài kia, trường lớp bạn bè hoạt động chương trình. Từ khi chuyến đi này bắt đầu, mình mới hiểu ra nhiều hơn, chịu khó để tâm “tìm mà hiểu” hơn về chính những người thân thương nhất. Và như thế, càng sắp đi xa, lại càng gần. Người thì cách nhà bảy ngàn cây số thế thôi, chứ tình cảm thì vẫn là ở nhà, chứ còn ở đâu được nữa.

m 20160407 Nha
(artwork by me)


Nhà mình rất thân nhau, Bố Mẹ mình coi hai chị em cũng là người lớn, nên mình chưa từng có ý định giấu Bố Mẹ làm hồ sơ xin học bổng. Còn câu hỏi duy nhất mà Bố Mẹ hỏi mình trước khi đồng ý cho mình bắt tay vào làm — cả trong lúc hoàn thành hồ sơ và chuẩn bị đi — là: “Con có chắc chắn là con muốn đi không? Nghĩ đến đi có thấy háo hức không?”

Con chắc chắn, vì giờ con hiểu ra rồi, đi xa cũng vẫn là trở về thôi.

2016.07.04
Viết ngày 2016.06.23

Minh Anh

Author: Minh-Anh Mia Do

book-smart and sugar-addicted || the written word & all things linguistics || email: dmad920@uowmail.edu.au

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: