Tặng các thầy cô của con,

Hai ngày nữa là ngày Nhà giáo Việt Nam. Học đại học được một kỳ, lại không phải ở trong nước, dù trường mình đẹp, to rộng và hiện đại, và học hành rất hứng thú, mình vẫn luôn thấy thiếu và nhớ cái-gì-đó giữa thầy cô và học trò. Giữa giảng viên và sinh viên không có cái-gì-đấy mà giữa thầy cô và học sinh có, cái-gì-đấy mà mình chưa bao giờ gọi tên được rõ ràng suốt bao nhiêu năm đi học, cho đến khi ở môi trường mới, cảm giác đó không còn.

Thế nên sắp đến 20/11, mình muốn kể lại mấy chuyện. Chuyện đi học. Chỉ là lâu ngày không viết đâm giờ lan man một chút, vậy thôi.

 


Mình học mẫu giáo ở trường Mầm non B. Trường ở gần khách sạn Hilton có cái đài phun nước mà giờ ra chơi các cô hay dẫn cả lớp ra nghịch, ngoài cổng trường có mấy bộ cầu trượt với ống chui màu xanh đỏ yêu lắm. Ngày đấy bé xíu, chỉ nhớ nhất là các cô mẫu giáo khéo tay ghê là, các cô cắt được cả nốt nhạc, khóa son, hoa lá, rồi buộc dây treo kín cả khung cửa sổ của mỗi phòng học. Rồi các cô hát hay đàn giỏi múa dẻo nữa chứ, vừa đệm đàn, vừa hát, vừa làm mẫu cho một lũ lít nhít buộc tóc hai bên mặc áo mớ ba mớ bảy cầm mấy đôi quạt múa theo bài Trống Cơm, một lũ lít nhít khác mặc váy với yếm đính kim sa bạc lấp lánh hát “Ánh mắt là ánh sao/Ánh sao là ánh mắt/Đôi mắt em chớp chớp/Như ông sao trên trời..”, đã thế lại còn lôi được cả lũ lít nhít đấy đi biểu diễn hết chỗ này đến chỗ khác.

Những năm cấp một, mình học ở trường Nam Thành Công. Trường ở đường Nguyên Hồng, to lắm, ba mặt phố lận, đồng phục con gái là cái váy xanh rêu chấm bi trắng mà ngày đấy mình ghét cay ghét đắng mỗi lúc phải mặc. Cô chủ nhiệm lớp Một của mình nghiêm vô cùng, tất cả những bài tập viết của mình chỉ có một bài duy nhất được trên 7 (thậm chí bài đó được hẳn 10 điểm vì có Bố ngồi cạnh ép viết nắn nót lúc ở nhà), còn toàn bộ những bài còn lại thì lẹt đẹt mãi 5, 6 và cô chỉ cho điểm cao khi nào viết thật đẹp thật tròn thôi. Đến lớp Bốn mình còn có cô chủ nhiệm hay nói chuyện với học sinh như là bạn chứ không phải một đám nhóc chí chóe, cô dạy rất hay và luôn để cho tụi mình được thoải mái hỏi cô bất kỳ thứ gì, Toán Văn, Tự nhiên & Xã hội, Kỹ thuật, thậm chí chuyện bạn này đang thích bạn kia xong bị bạn kia dỗi mới thú.

Lên cấp hai thì lớn hơn rồi, nhớ được nhiều chuyện hơn chút. Trường Nguyễn Du hai năm đầu chung chỗ với Trưng Vương  ở Hàng Bài, cạnh con ngõ-học-thêm 26 huyền thoại mà có lần có nhà cháy làm thầy trò phải di tản hết theo lối tắt của công trường bên cạnh và thành ra được nghỉ cả nửa buổi sáng. Hai năm sau trường chuyển sang Hàng Quạt (ôi con phố bán đồ thờ), mới hơn đẹp hơn và nhiều tiếng chửi của các nhà buôn bán bên cạnh hơn.

Ở Nguyễn Du, năm đầu tiên mình có cô chủ nhiệm dạy Văn, cô dạy hết năm đó thì nghỉ hưu, nhưng mình vẫn nhớ là cô hiền lắm, và lớp mình mấy năm sau vẫn đến thăm cô đều đều. Ba năm còn lại, cô chủ nhiệm mình cũng vẫn là cô Văn, trông cô như diễn viên U40 phim Hàn Quốc, và mỗi ngày trong tuần cô đều mặc một bộ váy khác nhau lên lớp. Cô hay để ý xem trong lớp có đứa nào thích đứa nào, rồi cô hay thỉnh thoảng từ phòng nghỉ giáo viên đột xuất ngó xuống sân trường để bắt quả tang mấy thằng con trai đá bóng nhựa trong giờ ra chơi, xong rồi chúng nó có đứa sẽ báo động để tụi còn lại chạy hết và nó sẽ ôm quả bóng đứng khép nép dưới tán cây bàng tưởng cô không nhìn thấy trong khi cô biết hết. Cô tâm lý cực kỳ, và mỗi lúc cô quay lên bảng viết và ở dưới chúng nó bắt đầu lao xao thì cô sẽ vừa viết bảng vừa đe “Chúng mày cẩn thận cô có mắt sau lưng đấy.” Cuối năm lớp Chín cô rèn Văn cho cả lớp mà đến bây giờ mình vẫn nhớ Lặng lẽ Sa Pa viết năm bao nhiêu và nhân vật Phương Định trong Những ngôi sao xa xôi có bao nhiêu nét đẹp chính trong tính cách.

Suốt bốn năm đấy, mình còn được học cô giáo dạy Toán có lẽ là đặc biệt nhất cả thời học sinh mười hai năm. Cô có tuổi rồi, nhưng lúc nào lên lớp cô cũng mặc váy dài đẹp ơi là đẹp, rồi tóc cô tết hai bên lâu và quen đến mức cô còn không cần chun buộc tóc mà vẫn nguyên nếp. Cô hay kể chuyện cô hồi trẻ, hồi còn đi học. Lúc nào cô cũng từ tốn, nói năng dịu dàng đi lại khẽ khàng, nhưng cô nghiêm lắm. Cũng lại cuối năm lớp Chín, cô thúc cả lớp học Toán kịch liệt, làm đi làm lại bao nhiêu dạng bài cả nghìn lần, mà cô kiên nhẫn vô cùng. Mà mình còn nhớ có lần ngủ quên trong giờ luyện thi vào 10, lúc đang úp mặt xuống bàn lơ mơ nghe thấy cô nhắc đứa bạn bên cạnh để cho mình ngủ nốt tiết đấy vì “chắc nó mệt quá rồi, khổ thân, thương ghê cơ.” Trong cái phong bì cất sâu trong tủ, mình còn giữ mảnh giấy gói viên kẹo sâm mà cô cho mình hôm đấy.

Cô Tiếng Anh ngày cấp hai của mình giờ nghỉ hưu rồi. Cô trẻ trung, tâm lý, mà nói chuyện với học sinh thoải mái lắm. Có lần mình làm xong bài trước mấy đứa trong lớp học thêm, lại ngồi ngay bàn đầu, cô kể chuyện lớp khác có đứa bảo nó thích mình, cô còn dặn là con gái mà có bạn thích mới là bình thường, là tốt, chứ ai mà mãi chẳng có người theo đuổi, đến khi vừa có lại nghĩ là thôi cơ hội hiếm hoi rồi vồ vập ngay vào, thì không hay.

À mình hồi đó làm trong Ban chỉ huy Liên đội, có cô Tổng phụ trách hay gọi cả họ cả tên mình trên loa nhắc bạn Đỗ Dương Minh Anh lớp G đi nộp Bảng Hoa Điểm Tốt nếu không lớp sẽ bị trừ điểm thi đua. Thế mà hồi lớp Tám mình làm Liên đội trưởng phải cắm rễ kỳ cạch trong phòng Đoàn Đội cả nửa ngày đến tận chiều tối để viết (cái quyển ác mộng có tên là) Sổ Liên Đội, cô ra xoa đầu cả cho mình nguyên hộp kẹo Sugus bảo là ăn đi, khổ thân, chịu khó viết nốt con ạ.

Thế rồi lên cấp ba, mình học Chu Văn An. Cô chủ nhiệm mình dạy Toán, cô tình cảm lắm. Cô hay gọi đứa nào đang buôn chuyện hoặc ngủ dở lên bảng giải bài, mà toàn chọn bài khó cho chúng nó. Cô xưng tôi hoặc cô và gọi bọn mình là “(các) bạn”. Cô hay biến tiết sinh hoạt lớp thành các tiết kỹ năng sống mà chủ yếu là cả lũ sẽ vểnh tai nghe cô kể chuyện cho đến tận lúc chuông báo hết giờ. Lần nào trước khi họp phụ huynh cô cũng sẽ dặn mình mở một cái confession để tụi mình gửi “điều con muốn nói” cho các bố các mẹ qua đấy. Cô có một chiếc thước gỗ một mét chuyên dung trong các giờ học hình mà đứa nào lên bảng cầm trông cũng chật vật phát khiếp trong khi cô kẻ thì ngon lành. Cô có facebook, cô up cả clip lớp nhảy We’re All In Thí Together cho Lễ Trưởng Thành, và bế giảng cuối về, cô viết cho cả lớp một cái note mà mình đọc nước mắt ngắn dài, cap màn hình, còn chép tay lại, bây giờ vẫn lâu lâu lấy ra đọc lại mà cả ba năm cấp ba ùa về.

Hồi đó học lớp chuyên Anh, cô Tiếng Anh lớp mình cũng đặc biệt hết sức. Cô cho cả lớp hát hò nhảy múa vẽ vời thoải mái khi thuyết trình, nguyên học kỳ hai lớp Mười Một hết nhóm này đến nhóm khác lên chiếu slide rồi diễn kịch cho lớp chơi trò chơi các kiểu, cứ nghĩ là vui thì vui thôi nhưng sau hồi đấy học được nhiều còn hơn cả qua làm bài luyện. Năm Mười Một cô cho cả lớp làm Chu Van An New Year Festival mà tụi mình gọi là NYF (Níp-phờ), quả chương trình nhạc kịch mang quy mô cấp trường mà ban tổ chức thì cấp lớp, để rồi nguyên một phần ba năm học cả lớp như một cái nhà kho tạp kỹ toàn đạo cụ rồi thì tập kịch tập vũ đạo luyện thanh viết giấy mời thiết kế sân khấu. Đến năm Mười Hai, giữa guồng xoáy khủng khiếp của kỳ thi THPT Quốc gia, cô cho lớp mình luyện thi theo một cách vô cùng độc đáo là chia cặp làm đề phát cho cả lớp, thu về chấm rồi làm hẳn phổ điểm thống kể rất chi hoành tráng. Thế rồi là điểm thi tiếng Anh năm đấy của lớp nhiều 8 9 như thóc ngoài đồng.

Cũng ở Chu, lớp mình có cô giáo dạy văn, cô trẻ và rất xinh đẹp nữa. Có lần hôm sinh nhật cô, cô mặc cái váy đen đẹp lắm, cả lớp cứ rầm rì trầm trồ với nhau suốt tiết học. Cô hay kể chuyện đời xem với chuyện Văn, kể cả chuyện ngày xưa cô chú gặp nhau thế nào. Vẫn nhớ hồi đầu cô mới dạy lớp, học đến vài phú sông Bạch Đằng thì phải, mình làm lớp trưởng mà ngủ gật, bị cô gọi đứng lên đọc bài, luống cuống đọc phải đoạn có đứa đọc rồi. Cô không mắng, chỉ nói mấy câu, mà từ đấy xấu hổ, không một lần nào dám ngủ gật trong giờ của cô suốt hai năm rưỡi còn lại nữa. Mà càng từ đấy con học văn cũng đâu có tệ đâu, cô nhỉ?

Ở Chu, có cô hiệu trưởng ngày trước dạy Văn mà mấy lần mình gặp cô lúc làm kỷ yếu, cô cứ thủ thỉ hỏi thăm cả chuyện học hành, rồi dặn dò bao nhiêu thứ. Mình có thầy Quốc Phòng hồi lớp Mười cứ nhìn thấy mình đi ngược chiều cúi gập chào thầy là sẽ dừng lại giơ tay lên trán “A chào đồng chí Minh Anh” rồi cuối lớp Mười Hai thầy còn ra chỗ băng ghế sân vận động bắt tay chúc vượt vũ môn thắng lợi. Thầy Quốc Phòng dạy năm lớp Mười Hai thì hay ngồi kể chuyện quân ngũ cho cả lớp, chuyện nào cũng kết bằng một bài học mà đứa nào cũng hốc mồm dỏng tai nghe, ngồi bệt nơi góc sân cỏ. Có cả cô cố vấn Đoàn thương Ban chấp hành như con, có anh gọi cô là “Cô Tấm của Văn phòng Đoàn”. Chương trình nào cô cũng theo sát, họp hành thì căng thẳng vậy nhưng cô lúc nào cũng sẽ cho cả lũ đi ăn trưa ở Pepperonis Phan Đình Phùng mấy dịp tổng kết liên hoan.

 


Bây giờ, mình sắp hai mươi. Vẫn còn một tỷ thứ trên cuộc đời này chưa biết, vẫn có một tỷ câu hỏi chưa có lời đáp mà cũng chịu chẳng rõ bao giờ mới tìm được. Thế nhưng chữ mình (tự nhận là) đẹp, mình viết lách tử tế, mình yêu sách truyện, mình tự giải quyết được phần lớn vấn đề bản thân gặp phải, mình biết mình được chỗ nào không được chỗ nào, biết mình là ai biết mình muốn gì, và biết cách nỗ lưc để có được những gì mình muốn.  Mình vụng về, không khéo léo chuyện trò, nhưng 20/11 này, dù không kịp viết thiệp mua hoa, thì mình vẫn sẽ nhắn chúc từng thầy cô mình yêu kính nhất, dù là qua facebook hay điện thoại. Bởi vì không có thầy cô, thì mình chẳng thể nào là mình bây giờ.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, con chúc thầy cô sức khỏe, hạnh phúc, thành công, và con cảm ơn thầy, con cảm ơn cô, rất, rất nhiều ạ!

w 20161118 20-11
(artwork by me)

Minh Anh

 

Author: Minh-Anh Mia Do

book-smart and sugar-addicted || the written word & all things linguistics || email: dmad920@uowmail.edu.au

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: