Sự hoang mang của người học Truyền thông (và một tý tẹo trấn an)

Một ngày đẹp trời, mình nhận ra ai cũng biết những thứ mình đang được học mà họ còn chẳng cần phải đi học giống mình.

Mình đang học Communication and Media Studies ở Úc (nôm na là Nghiên cứu Truyền thông). Do đặc thù ngành, nội dung các lecture (bài giảng) thường xuyên được cập nhật xoay quanh các sự kiện mới nhất trên thế giới, và được truyền tải chủ yếu dưới dạng các case studies (nghiên cứu tình huống). Cụ thể là lý thuyết sẽ chỉ chiếm khoảng 20–30%, nằm ở ngay đầu lecture. Toàn bộ phần còn lại của buổi học (và các buổi thảo luận nhóm nhỏ 20–25 người) dùng để áp dụng những khái niệm và quy luật mới học vào phân tích các sự kiện, từ đó kết luận về độ chính xác và các ngoại lệ.

  1. Có một lần kỳ trước, cậu bạn thân mình (học tự nhiên) vào ngồi cùng một lecture môn Media, Art, and Society (tạm dịch: Truyền thông, Nghệ thuật, và Xã hội), về vấn đề Dân chủ (Democracy) (Chú thích: lecture thường rất đông và không có điểm danh nên ai vào nghe cũng được hết). Đến phần case study, mình quay sang nói chuyện một chút và nhận ra cậu bạn cũng biết tất cả những thứ đang được nói đến trong bài học (trong khi ngược lại thì mình thử ngồi lecture Sinh Hóa cùng cậu ấy và chẳng hiểu gì sất). Từ sau hôm đó, mình mới để ý hơn và thấy là tất cả mọi người bất kể ngành học đều có thể thảo luận về tất cả những thứ mình được học trong tất cả các môn.
    .
  2. Cũng trong các tutorial (tạm dịch: giờ học có hướng dẫn, với ngành của mình thường là các buổi thảo luận) của Media, Art, and Society, thảo luận và tranh biện cùng các bạn người bản xứ (mình là sinh viên quốc tế duy nhất trong nhóm tutorial đó) cả tiếng đồng hồ dưới sự hướng dẫn của giáo viên, mình thấy ngợp trước số lượng các cách tiếp cận cùng một vấn đề, đúng thật là chín người mười ý. Giáo viên không bao giờ nói rằng ai đó đúng hay sai, chỉ nhận xét là “góc nhìn của bạn thú vị đấy”, “cách hiểu của bạn rất lạ. nhưng bạn cũng nên thử nghĩ đơn giản hơn một chút xem”, vv. Và đến một thời điểm, mình rất sợ lên tiếng vì cảm thấy mình chưa hiểu “đúng” vấn đề hay ý kiến của mình không đủ thuyết phục. Thậm chí, ngay khi mình vừa có một suy nghĩ thoáng qua và định mở lời thì có một bạn học đưa ra một luận điểm trái ngược hoàn toàn, và đương nhiên là mình im re.

Và mình hoang mang kinh khủng, vậy thì mình học tất cả những thứ này để làm gì khi mà mình còn không có nổi một lập trường vững vàng? Hay sự thật là mình đang không học được gì mới mẻ cả?

Continue reading “Sự hoang mang của người học Truyền thông (và một tý tẹo trấn an)”